Lập luận của các bên trong vụ tranh chấp Vụ kiện đảo Palmas

Lập luận của Hoa Kỳ

Vị trí đảo Palmas, so với Indonesia (khu vực màu vàng).

Hoa Kỳ, với tư cách là người kế thừa chủ quyền của Tây Ban Nha tại Philippines, lập luận chủ yếu dựa vào nguyên tắc chiếm hữu đầu tiên.[8] Căn cứ chủ yếu và duy nhất của Hoa Kỳ là bản Hiệp ước Paris ký với Tây Ban Nha năm 1898 nên họ tìm cách chứng minh chủ quyền của Tây Ban Nha theo các luận cứ sau.

Về lịch sử, Tây Ban Nha đã phát hiện ra đảo Palmas từ thế kỷ XVI. Hoa Kỳ lập luận vào thời điểm thế kỷ XVI, hành vi phát hiện ra trước đã đem lại chủ quyền không thể tranh cãi được cho Tây Ban Nha.[9] Về pháp lý, theo bản đồ đính kèm theo Hiệp ước Paris 1898 thì đảo Palmas thuộc Philippines. Năm 1899, Hoa Kỳ đã thông báo cho Hà Lan về hiệp ước Paris mà Hà Lan không có ý kiến gì. Theo Mỹ, chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ không được thiết lập đơn giản bởi hành vi vẽ bản đồ mà phải thông qua một Công ước và Mỹ đã viện dẫn Công ước Munster (Treaty of Munster) ngày 30 tháng 1 năm 1648 giữa Tây Ban Nha và Hà Lan có nội dung tuyên bố hòa bình giữa Tây Ban Nha và Hà Lan. Theo Mỹ, tại Điều V Công ước có quan hệ tới vấn đề lãnh thổ giữa Tây Ban Nha và Công ty Đông Ấn của Hà Lan.[10]

Như vậy, đảo Palmas là một phần của lãnh thổ Philippines và Mỹ đã chiếm giữ Philippines sau chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha. Như vậy, Mỹ đã thực hiện quyền chiếm hữu của người phát hiện đầu tiên thông qua sự chuyển nhượng quyền sở hữu hợp pháp từ Tây Ban Nha. Ngoài ra, Mỹ cũng đưa ra lập luận rằng đảo Palmas là một phần của lãnh thổ tiếp giáp với đất liền của lãnh thổ Philippines là thuộc địa của Mỹ bởi lẽ nó gần lãnh thổ của Philippines hơn là lãnh thổ của Indonesia, thuộc địa của Hà Lan.[11]

Lập luận của Hà Lan

Hà Lan bác bỏ các lập luận trên và lấy việc thực hiện thực sự, hòa bình và liên tục chủ quyền đối với đảo từ năm 1677 làm cơ sở để chứng minh cho chủ quyền lãnh thổ của mình đối với đảo Palmas.[8]

Theo Hà Lan, đảo Palmas và các đảo Nanusa, đảo Talauer, gọi chung là Quần đảo Talaud trước đó thuộc về nhà nước địa phương Tabukan. Như vậy, nhà nước Tabukan mới là chủ thể chiếm hữu trực tiếp trên thực tế đảo Palmas chứ không phải Tây Ban Nha dù Tây Ban Nha đã phát hiện ra đảo Palmas. Hà Lan cũng cho rằng dựa vào Công ước Munster năm 1648, vào năm 1677, Hà Lan đã đạt được thỏa thuận với nhà nước Tabukan về việc Hà Lan sẽ quản lý, kiểm soát đảo Palmas thông qua một hiệp định giữa Công ty Đông Ấn với nhà nước Tabukan, theo đó một yêu cầu đặt ra đối với những người theo đạo Tin lành và từ chối quyền kiểm soát của các quốc gia khác đối với hòn đảo.[12] Như vậy, Hà Lan đã chứng minh được rằng Công ty Đông Ấn đã thực hiện quyền kiểm soát đối với đảo Palmas từ thế kỷ XVII.